Home / Học tiếng Nhật / Lời khuyên cho những ai mong muốn sang Nhật (với diện thực tập sinh)

Lời khuyên cho những ai mong muốn sang Nhật (với diện thực tập sinh)

Lời khuyên cho những ai mong muốn sang Nhật (với diện thực tập sinh)
Tôi viết bài này để giải tỏa bớt nỗi bực mình của tôi đối với học trò của mình là thực tập sinh đang làm việc tại công ty tôi.
Tôi bảo các em hãy học tập tiếng Nhật thì các em bảo là :” Tại sao thầy cứ bắt bọn em học tiếng Nhật trong khi bọn em đi làm việc đã mệt lắm rồi. Và không phải ai cũng có đầu óc để học được tiếng Nhật !”
Thực ra tôi không bắt các em học tiếng Nhật mà rõ ràng là chương trình thực tập sinh đã có sự thay đổi từ căn bản.
Thay đổi này đến từ việc khi Nhật Bản cho ra đời loại visa Tokutei.

Người Nhật đã có sự chuẩn bị rồi. Vì Jitco vốn là tổ chức của nhà nước Nhật (trực thuộc các bộ quan trọng). Khi thực hiện chương trình tu nghiệp sinh và bây giờ gọi là thực tập sinh thì uy tín của họ đã bị sứt mẻ rất nhiều. Chính phủ Nhật bị chỉ trích vì thực hiện chương trình thực tập sinh (vốn như tên gọi của nó và tính chất là chuyển giao công nghệ, kỹ thuật cao của Nhật cũng như đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng để hỗ trợ cho các nước đang phát triển). Nhật Bản ban đầu thực hiện rất nghiêm túc chương trình này. Nhưng nó lại không sát với thực tế và nhu cầu của Nhật.

Tức là nếu đúng tu nghiệp sinh thì phải là người đang làm việc tại các công ty và được cử sang Nhật để tu nghiệp, thực tập rồi sau đó quay về làm việc lại công ty cũ ở Việt Nam.

Thực tế thì sao ?! Thực tế là đa phần các công ty vừa và nhỏ của Nhật chỉ có nhu cầu lao động thuần túy. Họ cũng chẳng thể bỏ tiền sang Việt Nam để tìm kiếm đúng ngành họ muốn và kiếm được người Việt đang làm trong ngành đó để đưa sang Nhật làm việc, tu nghiệp để sau đó những người đó lại quay về Việt Nam. Thế là ngay từ đầu đã có một độ lệch rất lớn trong ý nghĩa và tên gọi cũng như thực tế đối với chương trình thực tập sinh của Nhật.
Chỉ có 1 điểm chung lớn là phía Nhật cần lao động thuần túy và phía Việt Nam(người lao động) muốn sang Nhật kiếm tiền.

Kết quả là phía Nhật biết rõ mười mươi nhưng cũng đành chấp nhận. Tuy nhiên trên thực tế thì phải làm theo đúng thủ tục, giấy tờ. Do vậy mà phía Việt Nam (cty phái cử) khi làm hồ sơ thì luôn làm 1 hồ sơ “không đúng sự thật”. Vì rõ ràng là người lao động đó đâu có phải làm trong công ty A,B,C gì đó đâu. Nhưng trong hồ sơ thì bắt buộc phải khai cho đúng thủ tục.

Chính vì cái thủ tục này lúc đầu nó còn chưa dám lộ liễu nên còn có vụ là về nguyên tắc những ai tốt nghiệp đại học thì không được chấp nhận đi chương trình thực tập sinh. Phải khai theo đúng thủ tục là đang làm tại cty nào đó.
Sau này thì Nhật mới cho khai bằng. Thì cũng đã có không ít người chết vì vụ này (không thể quay lại Nhật bằng visa làm việc được. Cũng chẳng thể giải trình)

Vì Jitco dính nhiều tai tiếng, nên chính phủ Nhật quyết định đổi tên thành OTIT và khi có kỳ thi Senmonkyu (dùng cho thực tập sinh thi trước khi ra khỏi Nhật) thì việc quản lý kỳ thi chuyển giao hết về phía các hiệp hội.
Do đó hồi xưa thì do Jitco quản lý và tổ chức thi, vừa đá bóng vừa thổi còi kiêm luôn trưởng ban tổ chức giải nên việc thi đậu là chuyện đương nhiên. Vì nếu để tỉ lệ rớt cao thì chính uy tín của chương trình tts sẽ rớt, Jitco bị ảnh hưởng. Thế nên các bạn tts cứ nói với nhau là thế nào thì cũng đậu.(vì nghĩ chắc chắn cty tiếp nhận sẽ bằng mọi cách lo lót để các bạn được đậu thi)

Thực tế bây giờ là kỳ thi lần thứ nhất (trong vòng 1 năm sau khi các bạn thực tập sinh sang Nhật) thì vẫn còn khả năng đậu gần như 100% mặc dù độ khó của nó cũng được nâng lên nhiều.
Nhưng kỳ thi senmonkyu thì vì giao cho phía các Hiệp hội, nên họ rất thẳng tay cho rớt. Rớt thi lại thì họ lại càng có tiền. Phí thi cũng nâng lên rất cao. Không biết ở những ngành khác thế nào chứ ngành chế biến thực phẩm thì 1 người là 27,000 Yên cho 1 lần thi. Và mặc dù so với kỳ thi Tokutei do hiệp hội tổ chức cho các thí sinh tự do thì vẫn dễ hơn nhiều. Nhưng nếu không học hành đàng hoàng thì rớt chắc.

Tôi vẫn hay nói với các học trò mình là các em tự đánh mất 100 man nếu không thi đậu được kỳ thi senmon (vì có biết bao nhiêu người muốn thi kỳ thi này ở Việt Nam mà không được). Và vì chính tương lai bản thân, hãy cố gắng học để cầm được tờ giấy này về Việt Nam vì kỳ thi năng lực tiếng Nhật thì vẫn tổ chức đều đặn ở Việt Nam còn thi senmon thì hiện tại chỉ ở Nhật mới thi được) Và thực tế là thi khá khó vì Ban Giám Khảo họ cũng nói tiếng Nhật, cho nên phải học.

Vậy mà học trò tôi thì nói là “Tại sao lại vì công ty mà bắt chúng em học ?!”
Tôi đã giải thích rất rõ là chẳng liên quan gì đến công ty cả. Nếu có chỉ là được danh hiệu 優良企業(ゆうりょうきぎょう) công ty ưu tú. Mà cái này thì không thể vì công ty tôi đã từng có người(bạn) thi rớt rồi. Với lại lúc trước cty quan tâm danh hiệu này vì có danh hiệu này thì có thể tiếp tục cho các bạn thực tập sinh làm việc tốt quay lại. Nhưng giờ có visa Tokutei rồi, nên không cần quay lại thêm 2 năm mà chuyển sang Tokutei luôn.
Nói quá dài dòng nhưng tôi tóm lại là các bạn không học được tiếng Nhật, không thích Nhật thì đừng nên qua Nhật các bạn nhé.

Thực tế như tôi đã nói thì nước Nhật các bạn đi du lịch là Thiên Đường còn đi làm việc là Địa Ngục.
Và các bạn cần chuẩn bị sẵn tinh thần này. Cũng như việc đi sang Nhật với tư cách thực tập sinh không phải là đi để kiếm tiền mà thực chất là đi để…đổi đời.
Vì tiền chỉ có nhiêu đó thôi, bây giờ không có chuyện làm thêm vô tội vạ nữa. Muốn kiếm tiền nhiều có lẽ là phạm pháp, bán hàng gian, hàng giả hay đi lừa đảo người Việt.
Còn “đổi đời” là gì ? Là sự đánh đổi để có 1 tương lai tốt đẹp hơn. Hay là một kết cục tồi tệ là trở thành tội phạm, bệnh tật, hay thậm chí bỏ mạng.
Tất cả đều tùy thuộc vào …chính bạn và suy nghĩ của bạn.
(Nên nhớ…mọi thứ luôn có rủi may và rủi ro…thậm chí là bạn ở Việt Nam cũng vậy)

Theo: Pham Quyen fb.com/quyenjp

Xem thêm:
Tâm sự với các bạn thực tập sinh Nhật Bản
Những điều quan trọng khi sống ở Nhật