15 Loại gia vị nấu ăn của Nhật Bản bạn nên có trong bếp
Gia vị – 香辛料 (koushinryou) là một phần không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày nên khi sang Nhật bạn vẫn phải đi siêu thị dù biết tiếng Nhật hay không, cùng phân biệt các loại gia vị ở Nhật Bản chi tiết trong bài viết dưới đây.
1. Dầu ăn
Dầu ăn tiếng Nhật gọi là 油(あぶら: abura)hay サラダ油(さらだゆ: sarada yu)và đây là hình minh họa một loại dầu ăn phổ biến. Các hãng khác nhau sẽ có hình dáng chai dầu khác nhau nhưng nhìn chung đều có dạng can trắng lộ dầu màu vàng như thế này. Các loại dầu ăn cũng được để chung với nhau trong một khu ở siêu thị. Loại này dùng để chiên, xào và có thể làm cả dressing cho salad nên được gọi là salad oil.
2. Muối ăn
Muối ăn tiếng Nhật là 塩(しお)hay クッキングソルト (cooking salt). Trong ảnh là minh họa một loại muối ăn phổ biến. Ở Nhật mình không thấy có bột canh như ở Việt Nam, chỉ có một số loại muối có pha thêm mì chính nhưng mình thường chỉ dùng muối ăn bình thường.
3. Đường
Đường nói chung là 砂糖(さとう: satou)và đường cát được gọi là グラニュー糖 (guranyu tou) vốn là từ xuất phát từ tiếng Anh “granulated sugar” hay đơn giản là 白砂糖 (shirosatou: đường trắng). Đường và muối là 2 loại rất dễ bị nhầm lẫn nếu không đọc được tiếng Nhật.
4. Nước tương
Nước tương là しょうゆ (shouyu). Mình hay dùng loại nước tương của Kikkoman như trong ảnh. Nước tương này dùng để chấm và làm cả gia vị nấu ăn luôn. Lưu ý là sau khi mở nắp thì nên bảo quản trong tủ lạnh. Nước tương nếu bị đổi màu sẽ không ăn được nữa nên tốt nhất mua chai nhỏ, phù hợp với mình là được.
5. Giấm
Giấm tiếng Nhật là 酢(す: su). Có hai loại phổ biến là giấm ngũ cốc: 穀物酢(こくもつす: kokumotsu su) và giấm gạo: 米酢(こめず: komezu). À, còn một loại giấm táo gọi là りんご酢 (ringo su). Giấm làm sushi thì gọi là すし酢. Mình thì hay ăn giấm ngọt, gọi là 甘酢(amazu) vì nó tiện cho việc pha nước chấm chua ngọt.
Giấm Ponzu
Ponzu (ポン酢) là một loại giấm làm từ trái cây cùng họ với cam. có vị chua thanh. Ponzu shoyu (ポン酢しょうゆ) là nước tương pha với ponzu thường dùng để chấm đậu phụ, làm dressing cho salad rong biển, ăn kèm gỏi cá sashimi hoặc làm nước chấm lẩu Shabu Shabu.
6. Hạt tiêu
Hạt tiêu tiếng Nhật là こしょう/ コショー, thường hay được đựng trong các lọ nhỏ goi là テーブルこしょう. Một số lọ hạt tiêu có ghi bên ngoài là ブラックペッパー (black pepper: tiêu đen)
7. Rượu nấu Nhật Bản
Mirin tiếng Nhật là みりん (trên chai thường ghi là 本みりん), là một loại rượu làm từ gạo, có vị hơi ngọt. Mirin dùng để nêm vào các món kho, rán để tạo độ bóng cho món ăn và giúp món ăn có độ ngọt tự nhiên mà không cần phải thêm đường. Mình hay dùng mirin để ướp thịt khi chiên.
8. Mù tạt Nhật Bản
Mù tạt Nhật Bản phân ra 2 loại:
Mù tạt wasabi (người Việt hay gọi là mù tạt xanh)
Đây có lẽ là loại mù tạt nổi tiếng và được nhiều người ưa thích nhất trên thế giới.
Bạn có thể cảm nhận một vị cay nồng bốc lên mũi, nhẹ nhàng tan nhanh và hòa quyện vào vị ngọt thanh của lát cá hồi. Đừng quá hấp tấp, bạn hãy từ tốn nhẹ nhàng để cản nhận miếng cá hồi béo ngậy đang từ từ tan ra trên đầu lưỡi. Có một điều lạ là bạn sẽ chẳng thấy cá tanh chút nào, chỉ nhận ra vị cay cay, âm ấm và nồng nồng của wasabi.
Mù tạt vàng hạt cải Karashi
Được làm từ hạt cải nghiền, có màu vàng, hương vị cay đặc trưng. Hoàn toàn không sử dụng phẩm màu, hạt mịn.
Vị cay nồng, nhưng không nồng bằng mù tạt Wasabi. Thích hợp chấm các món hấp, nướng, chiên…
9. Dầu olive
Dầu olive là オリーブオイル. Loại phổ biến ở các siêu thị là loại như trong hình. Bạn có thể tìm thấy dầu olive này ở khu bán các loại dầu ăn. Đây cũng là dầu olive dùng để dưỡng da hay mát xa được luôn đó.
10. Bột nêm thịt gà
Bột này giống như hạt nêm ở Việt Nam, dùng để nêm vào các món canh tạo vị ngọt, tiếng Nhật gọi là がらスープ (gara suupu). Bột này có loại của Tàu và của Ajinomoto và mình luôn chọn đồ của Nhật cho an toàn.
11. Sốt ớt và ớt khô
豆板醤 (toubanjan) là một loại sốt làm từ ớt và đậu nành, có vị ngọt, mặn và cay, dùng để ướp các món thịt hay để nấu món kiểu Tàu. Ớt đỏ tiếng Nhật là 赤唐辛子 (aka tougarashi) nhưng ở siêu thị Nhật thường khó tìm thấy ớt tươi. Khi cần dùng ớt làm gia vị cho món ăn gì các bạn có thể dùng loại ớt khô đã thái nhỏ hoặc ớt bột.
12. Bơ và bơ nhạt
Bơ thường (có muối) là バター (bataa) và bơ nhạt là 無塩バター (muen bataa) hay 食塩不使用バター (shokuen fushiyo bataa).
Bơ thường バター (bataa)
Loại bơ này thường hay được dùng làm gia vị trong nấu ăn hơn là làm bánh. Các món súp hay xào sử dụng bơ sẽ có độ ngậy và mùi thơm đặc trưng. Tuy nhiên bơ này dùng làm bánh sẽ khó kiểm soát được vị mặn. Hương vị của bánh cũng do đó mà bị ảnh hưởng ít nhiều. Dưới đây là hình ảnh của バター (bataa), bạn nên chú ý để mua đúng loại bơ cần dùng.
Bơ nhạt 無塩バター (muen bataa)
Ở Nhật loại bơ này còn được gọi là 食塩不使用バター (shokuen fushiyo bataa). Bơ nhạt có tác dụng tăng cường sự phát triển của xương và còn rất tốt cho hệ tiêu hóa. Do đó mà hiện nay nhiều người chọn bơ nhạt vào danh sách thành phần làm bánh của mình. Hơn nữa đây còn là loại bơ rất đa dạng với nhiều dòng sản phẩm khác nhau để bạn chọn lựa.
13. Miso
Miso (みそ) là một phần không thể thiếu trong món ăn Nhật. Miso làm từ đâụ nành lên men, là gia vị chính cho các món canh truyền thống của Nhật như canh miso shiru (canh miso rong biển), tonjiru (canh thịt lợn) hay làm nước dùng cho mì ramen.
Một số món thịt xào cũng dùng miso để nêm cho vị thêm đậm đà. Mình chủ yếu dùng miso màu vàng nhạt, thỉnh thoảng dùng miso đỏ để nấu canh sò thôi.
14. Dầu vừng/ dầu mè
Dầu vừng/ dầu mè là ごま油 (goma abura). Dầu này dùng để xào các món thịt tạo hương vị thơm của vừng rất ngon. Mình đặc biệt thích dùng dầu mè cho món thịt lợn xào kim chi.
Xem thêm bài:
Văn hóa cúi chào của người Nhật trong giao tiếp
Cùng tìm hiểu về văn hóa phong bì của người Nhật